HIỂU VỀ TUỔI XƯƠNG BÀN TAY Ở TRẺ VÀ PHƯƠNG PHÁP ƯỚC TÍNH TUỔI XƯƠNG THEO GREULICH & PYLE

Bạn đang xem chuyên mục Y Học Thường Thức | Theo dõi Phòng khám đa khoa Olympia trên Facebook | Tiktok | Youtube

Sự trưởng thành và phát triển hệ xương.

 Sự trưởng thành của hệ xương dựa trên sự hoạt hóa và tương tác của một loạt các cơ chế sinh lý phức tạp với trình tự diễn tiến có thể dự đoán được. Hệ xương trải qua hai quá trình theo tuổi tác là tăng trưởng và trưởng thành. Tăng trưởng là hình thành mô mới. Trưởng thành là vôi hóa hoặc đông đặc các thành phần sợi và sụn. Sự hình thành chất nền sợi và sụn trong các giá đỡ của xương tương lai được gọi là các trung tâm cốt hóa. Mỗi đoạn xương bắt đầu quá trình trưởng thành từ trung tâm cốt hóa nguyên phát, sau đó thông qua các giai đoạn khác nhau, xương phát triển to ra và tái cấu trúc, đạt đến hình dạng cuối cùng. Trung tâm cốt hoá nguyên phát ở các xương dài sẽ hình thành nên thân xương. Các xương dài có nhiều trung tâm cốt hoá thứ phát trưởng thành gọi là đầu xương. Giữa thân xương và đầu xương là đĩa sụn tăng trưởng, giúp xương dài ra theo chiều dọc. Đĩa sụn tăng trưởng sẽ trải qua quá trình cốt hoá sụn. Cốt hóa sụn là một quá trình mà sụn ban đầu được hình thành cuối cùng được thay thế bởi xương. Sự ngừng tăng trưởng xương xảy ra khi đĩa sụn tăng trưởng trưởng thành được thay thế hoàn toàn bởi xương, dẫn đến sự hợp nhất đầu xương. [1], [16].

Mặc dù nhiều vùng cơ thể đã được nghiên cứu trong nhiều năm để xác định một phương pháp chuẩn hóa và phổ quát, nhưng vùng cổ tay và đầu gối vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá sự trưởng thành xương. Ngoài ra các nghiên cứu cho thấy ở một số xương, quá trình cốt hóa thường bắt đầu ngay từ khi sinh, trong khi ở các xương khác, quá trình này bắt đầu trong khoảng từ 14 đến 17 tuổi. Do đó, quá trình trưởng thành xương có thể được đánh giá tốt hơn thông qua vùng đầu gối ở trẻ dưới 3 tuổi, trong khi đối với trẻ trên 3 tuổi việc đánh giá các xương bàn tay và cổ tay là thích hợp nhất. [16]

Yếu tố ảnh hưởng sự trưởng thành và phát triển hệ xương.

Quá trình trưởng thành hệ xương chịu ảnh hưởng bởi di truyền, dinh dưỡng, các yếu tố môi trường, tình trạng bệnh lý tiềm ẩn và các tác động của hormone. Các hormone tác động mạnh mẽ đến sự trưởng thành hệ xương gồm hormone tăng trưởng (GH), yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1), thyroxine và các steroid sinh dục. Thiếu hụt hormone tuyến giáp hoặc dư thừa corticosteroid có thể làm giảm phân bào ở vùng tăng sinh, từ đó gây chậm phát triển chiều cao. Estrogen được chứng minh là một yếu tố chính thúc đẩy sự hợp nhất đầu xương ở cả hai giới. Những bệnh nhân bị đột biến ở thụ thể estrogen đã được chứng minh là có sự hợp nhất không hoàn toàn đầu xương và sự tăng trưởng xương vẫn được tiếp diễn đến tuổi trưởng thành. Do đó, sự thiếu hụt các hormone trên dẫn đến sự tiến triển chậm của tuổi xương, trong khi sự chế tiết hormone dư thừa gây ra sự tiến triển nhanh trong sự trưởng thành của xương. [1]

Không chỉ hormone, mà giới tính cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình này. Cụ thể, tuổi xương ở nữ thường tiến triển nhanh hơn nam ở cùng độ tuổi sinh học. Trên thực tế, quá trình trưởng thành xương ở nam kéo dài hơn nữ và thời điểm đóng đầu xương thường xảy ra sớm hơn khoảng 2 năm ở bé gái so với bé trai. [16]

Đánh giá tuổi xương.

Tuổi xương là thước đo độ trưởng thành của hệ xương ở một cá nhân và cho chúng ta biết về tiềm năng tăng trưởng của trẻ [9]. Sự phát triển thể chất trẻ được đo lường bởi hai phép đo: mộttuổi theo năm sinh (gọi là tuổi thực) được tính từ ngày sinh ra đến hiện tại, hai là tuổi hệ xương (gọi là tuổi xương) được xác định bởi mức độ trưởng thành của xương. Tuổi xương được xem là công cụ chính xác và đáng tin cậy nhất trong đánh giá sự phát triển thể chất của trẻ. Mỗi giai đoạn xương trưởng thành có những đặc điểm riêng. Mặc dù vậy, tốc độ kéo dài và sự phát triển mỗi xương là khác nhau ở mỗi cá nhân, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì. [1]

 Việc xác định tuổi xương dựa trên đánh giá những thay đổi tuần tự về sự xuất hiện và hình dạng của xương bàn tay và cổ tay, diễn ra từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành, được quan sát qua các phim chụp Xquang bàn tay – cổ tay. Bốn tham số được khảo sát bao gồm: độ rộng đầu xương, sự xuất hiện các trung tâm cốt hoá, sự che phủ đầu xương, sự hợp nhất đầu xương [15].  

 

 Các xương cổ tay chưa cốt hóa khi sinh và quá trình này thường tiến triển từ trung tâm cốt hóa. Thông thường, trung tâm cốt hóa đầu tiên xuất hiện là xương cả và xương móc vào tháng thứ hai ở trẻ gái và khoảng tháng thứ tư ở trẻ trai. Đây là các đặc điểm quan sát hữu ích duy nhất trong khoảng 6 tháng tiếp theo, sau đó các trung tâm còn lại lần lượt xuất hiện. Việc đánh giá độ trưởng thành xương ở trẻ tiền dậy thì chủ yếu dựa trên kích thước của đầu xương ở xương đốt ngón so với phần hành xương liền kề. Trong giai đoạn này, các trung tâm cốt hóa của đầu xương tăng bề rộng và độ dày, đạt kích thước tương đương với hành xương. Khi đến tuổi dậy thì, đường viền của đầu xương bắt đầu chồng lên hoặc phủ lên hành xương. Sau đó, xương đậu và xương vừng bắt đầu có thể quan sát được. Trong giai đoạn cuối của dậy thì, sự hợp nhất giữa đầu xương và hành xương ở các xương dài của bàn tay xảy ra theo trình tự đặc trưng sau: (1) hợp nhất của các đốt xa, (2) hợp nhất của các đốt bàn, (3) hợp nhất của các đốt gần, (4) hợp nhất của các đốt giữa. Sau dậy thì, tất cả các xương cổ tay, xương đốt bàn và xương đốt ngón đều đã phát triển hoàn chỉnh, các đĩa sụn tăng trưởng đã đóng và việc đánh giá độ trưởng thành xương chủ yếu dựa vào mức độ hợp nhất của đầu dưới xương quay và xương trụ. [16]

 Một số hình ảnh Xquang biểu hiện sự trưởng thành và phát triển hệ xương tiến triển theo độ tuổi ở trẻ [7]:

(a)  Tuổi xương sơ sinh trẻ trai                                          (b) Tuổi xương 6 tháng trẻ trai

 (c) Tuổi xương 2 tuổi trẻ trai                                        (d) Tuổi xương 2 tuổi 08 tháng trẻ trai

(e) Tuổi xương 5 tuổi trẻ trai                                         (f) Tuổi xương 16 tuổi trẻ trai         

 Có sự khác biệt về mức độ tin cậy ở các vùng xương khảo sát liên quan đến độ tuổi. Tác giả Gilsanz V. và Ratib O. đề cập các vùng xương có độ tin cậy cao theo nhóm tuổi như sau: từ sơ sinh đến 5 tuổi ở trẻ gái và sơ sinh đến 7 tuổi ở trẻ trai (giai đoạn tiền dậy thì) là các xương cổ tay và xương đốt ngón tay, từ 6 đến 13 tuổi ở trẻ gái và 8 đến 15 tuổi ở trẻ trai (giai đoạn dậy thì) là các xương đốt ngón tay, từ 14 đến 18 tuổi ở trẻ gái và 16 đến 18 tuổi ở trẻ trai (giai đoạn sau dậy thì) là đầu dưới xương quay và xương trụ. [6]  

 Đánh giá tuổi xương giúp các bác sĩ ước tính được độ tuổi sinh học của trẻ so với độ tuổi thực tế, từ đó hữu ích trong việc chẩn đoán, điều trị, quản lý các vấn đề về tăng trưởng và phát triển. Khảo sát tuổi xương là yếu tố không thể thiếu trong đánh giá rối loạn nội tiết (đặc biệt là rối loạn phát triển dậy thì), rối loạn chuyển hoá, béo phì ở trẻ. Các ứng dụng khác của đánh giá tuổi xương bao gồm dự đoán chiều cao cuối cùng và ước tính tuổi ở các trẻ em xin tị nạn ở một số quốc gia và trong các môn thể thao cạnh tranh khi mà tuổi thực của trẻ có thể không được biết đầy đủ [9].   

 Phương pháp ước tính tuổi xương.

 Mặc dù không có phương pháp chuẩn chung nào để đánh giá tuổi xương, nhưng phương pháp Greulich – Pyle (gọi tắt là phương pháp GP) và phương pháp Tanner – Whitehouse (gọi tắt là phương pháp TW) là hai phương pháp truyền thống được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới.

 Cha đẻ của phương pháp ước tính tuổi xương kinh điển là tiến sĩ Greulich và Pyle nghiên cứu từ năm 1931 đến năm 1942, được xuất bản lần đầu vào năm 1950 dưới dạng một tập bản đồ Atlas tiêu chuẩn, dựa trên dữ liệu từ phim chụp Xquang cổ điển xương bàn tay trái của khoảng 1000 trẻ em da trắng khoẻ mạnh thuộc tầng lớp kinh tế xã hội cao ở Cleveland, Ohio, Hoa Kỳ. Ấn bản thứ hai được xuất bản vào năm 1959. Vì sự tăng trưởng và phát triển xương có liên quan đến giới tính nên nghiên cứu được tiến hành ở cả hai giới ứng với từng độ tuổi, từ sơ sinh đến 19 tuổi ở trẻ trai và từ sơ sinh đến 18 tuổi ở trẻ gái. Do đó, Atlas Xquang này bao gồm các giai đoạn tăng trưởng của trẻ với các mức độ trưởng thành xương khác nhau. Kết quả chụp Xquang xương bàn tay trái ở trẻ trong thực tế sẽ được đối chiếu với bản đồ Atlas tuổi xương có sẵn của Greulich – Pyle để chọn ra mẫu tuổi xương gần khớp nhất tương đương [5]. Phương pháp GP hiện vẫn là công cụ phổ biến, được áp dụng rộng rãi trong nước và trên thế giới bởi tính đơn giản, dễ sử dụng, thời gian khảo sát nhanh, có độ tin cậy và chấp nhận được sai số nhỏ.

Sau tác giả Greulich và Pyle, Gilsanz và Ratib là hai tác giả đã tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn dữ liệu Atlas tuổi xương bàn tay với hình ảnh phim Xquang kỹ thuật số, trong đó cung cấp thêm một số độ tuổi xương mà tác giả Greulich và Pyle chưa có [6]. Xquang kỹ thuật số xương bàn tay cho hình ảnh chất lượng tốt, rõ nét hơn so với Xquang cổ điển và cũng phù hợp với các hệ máy Xquang kỹ thuật số hiện đại ngày nay. Sự kết hợp bản đồ Atlas của các tác giả trên giúp việc khảo sát tuổi xương được đầy đủ và chính xác hơn.

Hạn chế của phương pháp GP cũng như của Gilsanz và Ratib sau đó, là có sự khác nhau về mức độ nhất quán trong phân tích kết quả tuổi xương giữa các quan sát viên (sự khác biệt dao động từ 0.07 đến 1.25 năm, khoảng 9 tháng 7 ngày đến 1 năm 3 tháng) và ngay ở cùng một người quan sát (sự khác biệt dao động từ 0.11 đến 0.89 năm, khoảng 1 tháng 10 ngày đến 10 tháng 25 ngày) [18]. Hơn nữa rất khó để đánh giá chính xác tuổi xương bởi các mẫu tuổi xương có sẵn được sắp xếp trong khoảng thời gian rộng từ 6 tháng đến 1 năm, mà không có mẫu tuổi xương liên tục theo từng tháng trong năm. GP chỉ dựa trên dữ liệu trẻ em da trắng được nghiên cứu vào đầu thế kỷ 20 và dữ liệu này đã tồn tại hơn 7 thập kỷ, do đó có những lo ngại về tính chính xác và độ tin cậy của phương pháp ở các nhóm dân tộc khác nhau. Điều này đã được xem xét trong một đánh giá có hệ thống cho thấy Atlas của phương pháp GP có thể không chính xác và nên được sử dụng thận trọng ở trẻ em Châu Á, Châu Phi [10]. 

Phương pháp ước tính tuổi xương phổ biến thứ hai là Tanner – Whitehouse (gọi tắt là phương pháp TW), dựa trên dữ liệu thu thập được vào những năm 1950 đến 1960 ở trẻ em da trắng Châu Âu, hiện đã phát triển qua ba phiên bản: phiên bản TW1 ra đời năm 1962, phiên bản TW2 được cập nhật vào năm 1983, phiên bản TW3 được giới thiệu vào năm 2001. Phương pháp TW cũng dựa trên chụp Xquang xương bàn tay trái, bằng cách phân tích và cho điểm 20 xương (TW2) hoặc 13 vùng quan tâm (TW3) ở bàn tay và cổ tay dựa trên giai đoạn trưởng thành của các đầu xương dài, xương ngắn rồi tính tổng điểm số, điểm số sẽ được quy đổi thành tuổi xương [4]. Phương pháp TW là hệ thống chấm điểm xương khách quan, có độ tin cậy tốt hơn phương pháp GP, nhưng mất nhiều thời gian hơn đáng kể trong đánh giá tuổi xương [3].  Phương pháp TW3 có xu hướng ước tính tuổi xương thấp hơn đối với trẻ gái sau 12 tuổi và trẻ trai sau 13 tuổi. Do đó nên kết hợp cả phương pháp GP và TW3 để đảm bảo ước tính độ tuổi chính xác hơn [11].

Đánh giá tuổi xương có sự khác biệt giữa các quan sát viên (giữa các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, hoặc giữa bác sĩ chẩn đoán hình ảnh với bác sĩ nhi khoa…) và ngay cả trong cùng một người quan sát, nên đây là động lực để ra đời phương pháp mới nhanh hơn, nhất quán hơn và chính xác hơn, đó là phương pháp xác định tuổi xương tự động [3]. Hiện nay phương pháp GP, TW2 và TW3 đã được tích hợp vào một số phần mềm máy tính cùng với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) giúp khảo sát tuổi xương được nhanh hơn. Bone Xpert là một phần mềm máy tính thương mại tích hợp AI được phát triển mạnh mẽ, được chứng minh là nhanh hơn và có khả năng đưa ra ít sự thay đổi hơn trong phân tích tuổi xương, mặc dù vẫn còn thiếu các nghiên cứu xác nhận nghiêm ngặt. Bone Xpert vẫn tích hợp cơ sở dữ liệu của GP và TW [2], [3]. Bone Xpert tính toán tuổi xương bằng cách phân tích hình dạng và mật độ xương ở 21 xương (gồm xương trụ, xương quay, xương đốt bàn tay, xương đốt ngón tay). Hiện nay phần mềm đã được sử dụng rộng rãi ở Châu Âu và có giá trị ở nhiều nhóm dân tộc trên thế giới. Với những tiến bộ vượt bậc gần đây trong công nghệ trí tuệ nhân tạo, các thuật toán học sâu (Deep learning) và học máy (Machine learning) được cho là có thể áp dụng trong ước tính tuổi xương. Một mạng nơ-ron tích chập (Convolutional neural network) là một loại mô hình kiến trúc học sâu đã nhận được sự chú ý vì sức mạnh trong xử lý dữ liệu hình ảnh. Các chương trình ước tính tuổi xương dựa trên học sâu đã được phát triển và sử dụng trên toàn thế giới [12], [13], [14].

Hiểu về phương pháp ước tính tuổi xương theo Greulich và Pyle.

Đánh giá tuổi xương ở trẻ trong thực hành lâm sàng có thể phân biệt ba nhóm đối tượng chính: trẻ có tuổi xương chậm phát triển, trẻ có tuổi xương bình thường phù hợp tuổi thực và trẻ có tuổi xương phát triển sớm.

Greulich và Pyle đã cung cấp một bản đồ Atlas Xquang tuổi xương chuẩn hoá giúp chúng ta có thể tham chiếu để chọn ra tuổi xương ước tính phù hợp nhất. Ngoài ra, dựa trên kết quả từ nghiên cứu Brush Foundation về tăng trưởng và phát triển con người tại Mỹ, Greulich và Pyle còn cung cấp một cơ sở dữ liệu số về thông tin tuổi xương ứng với từng độ tuổi gồm tuổi xương trung bình và độ lệch chuẩn (SD) của tuổi xương. Sự sai lệch trên 2 độ lệch chuẩn (± 2SD) theo bất kỳ hướng nào đều được coi là sự chậm trễ hoặc tiến triển trưởng thành xương nghiêm trọng [5], [19 ]. Cụ thể khi tuổi xương ước tính nằm trong khoảng -2SD đến +2SD thuộc phạm vi bình thường của ngưỡng phát triển tuổi xương thì được xem là tuổi xương bình thường. Khi tuổi xương ước tính nằm dưới hai độ lệch chuẩn (< -2SD) so với tuổi xương trung bình thì tuổi xương được xem là chậm phát triển. Nếu tuổi xương ước tính nằm trên hai độ lệch chuẩn (> +2SD) so với tuổi xương trung bình thì tuổi xương được xem là phát triển sớm. [5]

 Nghiên cứu của tác giả Zhou B. và cộng sự về sự tương quan giữa tuổi xương phát triển sớm với tình trạng thừa cân và béo phì ở 23.305 trẻ em Bắc Kinh có cách phân loại sự phát triển xương như sau: chênh lệch tuổi xương (BAD) được định nghĩa là tuổi xương trừ đi tuổi thực; trong đó tuổi xương bình thường có phạm vi -1SD ≤ BAD ≤ +1SD, tuổi xương phát triển sớm có phạm vi +1SD ≤ BAD ≤ +2SD, tuổi xương phát triển sớm có ý nghĩa khi BAD ≥ +2SD, tuổi xương chậm phát triển khi BAD ≤ -1SD [8].

Nghiên cứu của tác giả Oh MS. và cộng sự về các yếu tố liên quan đến tuổi xương phát triển sớm ở trẻ thừa cân và béo phì, trong đó tuổi xương được gọi là phát triển sớm khi có sự khác biệt trên 2 độ lệch chuẩn (> 2SD) giữa tuổi xương và tuổi thực [17].

 Trong rối loạn phát triển dậy thì, dậy thì sớm thực sự hoặc dậy thì liên quan tuyến thượng thận do tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh cho thấy tuổi xương tiến triển lớn hơn 2 độ lệch chuẩn so với tuổi xương trung bình (> 2SD). Các biến thể lành tính như phát triển tuyến vú sớm vô căn và dậy thì liên quan tuyến thượng thận cho thấy tuổi xương nằm trong hai độ lệch chuẩn của tuổi xương trung bình (2SD). [1]

 Sự chậm tăng trưởng và dậy thì muộn do thể chất là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tuổi xương chậm phát triển. Tình trạng lâm sàng này được xác định khi tuổi xương chậm phát triển (ít nhất 2 độ lệch chuẩn) so với tuổi thực, trẻ có vóc dáng thấp, dậy thì muộn cũng như chậm tăng trưởng chiều cao so với bạn bè cùng trang lứa. Điều này giúp phân biệt với những trẻ có vóc dáng thấp do di truyền, trong đó tuổi xương tương ứng với tuổi thực. [16]

 Tuổi theo năm sinh chỉ tương ứng với tuổi xương trong phạm vi 6 tháng ở 49% trẻ trai và 51% trẻ gái và có tới 26% cá nhân có tuổi xương thay đổi lớn hơn 1 năm so với tuổi theo năm sinh [2].

 Trong thực hành lâm sàng, sự chênh lệch tuổi xương hơn 1 tuổi so với tuổi thực được xem là cách tiếp cận nhanh, gợi ý cho dậy thì sớm [20], [21], [22], [23].

Báo cáo kết quả đánh giá tuổi xương. 

Nghiên cứu của tác giả Cheng CF. và cộng sự báo cáo đánh giá tuổi xương lâm sàng sử dụng học sâu cho dân số Châu Á tại Đài Loan, cung cấp một mẫu kết quả báo cáo tuổi xương do trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ như sau [14]:

Báo cáo suy luận của AI

Kết quả dự đoán

Tuổi xương: 12.2

Quy trình thực hiện: Nghiên cứu tuổi xương

Kỹ thuật: Bàn tay trái tư thế thẳng

Kết quả:

Giới tính: Nữ

Ngày nghiên cứu: 2018/06/13

Ngày sinh: 2007/11/05

Tuổi theo năm sinh: 10 tuổi, 7 tháng

Ở độ tuổi theo năm sinh là 10 tuổi, 7 tháng, sử dụng dữ liệu Brush Foundation, tuổi xương trung bình cho tính toán là 11 tuổi, 0 tháng. Hai độ lệch chuẩn ở độ tuổi này là

23.88 tháng, cho ra phạm vi bình thường là 9 tuổi, 0 months đến 12 tuổi, 12 tháng (+/- 2 độ lệch chuẩn).

Theo phương pháp của Greulich và Pyle, tuổi xương được ước tính là 12 tuổi, 2 tháng.

Kết luận:

Tuổi theo năm sinh: 10 tuổi, 7 tháng

Tuổi xương ước tính: 12 tuổi, 2 tháng

Tuổi xương ước tính là bình thường.

Đây được xem là mẫu chuẩn trong báo cáo đánh giá tuổi xương phổ biến trên thế giới. Tại Phòng khám đa khoa Olympia, chúng tôi đã áp dụng mẫu chuẩn trong báo cáo đánh giá tuổi xương được thể hiện qua hai ca lâm sàng thực tế như sau:

Ca lâm sàng thứ nhất:

mẫu chuẩn trong báo cáo đánh giá tuổi xương - ca lâm sàng thực tế - thứ nhất - tại phòng khám đa khoa olympia

Giới tính: Nữ

Ngày sinh: 08/01/2016

Ngày chụp phim: 13/06/2025

Tuổi theo năm sinh: 9 tuổi 05 tháng

Theo dữ liệu nghiên cứu Brush Foundation ở tuổi theo năm sinh có:

Tuổi xương trung bình: 9 tuổi 05 tháng

Hai độ lệch chuẩn ở độ tuổi này: 23.46 tháng

Phạm vi bình thường của tuổi xương: 7 tuổi 05 tháng đến 11 tuổi 04 tháng

Theo Atlas của phương pháp của Greulich và Pyle (hình b), tuổi xương được ước tính là: 10 tuổi

Nhận thấy tuổi xương ước tính nằm trong phạm vi bình thường của tuổi xương.

Kết luận:

Tuổi theo năm sinh: 9 tuổi 05 tháng

Tuổi xương ước tính: 10 tuổi

Tuổi xương ước tính là bình thường.

 Ca lâm sàng thứ hai:

mẫu chuẩn trong báo cáo đánh giá tuổi xương - ca lâm sàng thực tế - thứ hai - tại phòng khám đa khoa olympia

Giới tính: Nữ

Ngày sinh: 12/04/2016

Ngày chụp phim: 20/06/2025

Tuổi theo năm sinh: 9 tuổi 02 tháng

Theo dữ liệu nghiên cứu Brush Foundation ở tuổi theo năm sinh có:

Tuổi xương trung bình: 9 tuổi 05 tháng

Hai độ lệch chuẩn ở độ tuổi này: 21.48 tháng

Phạm vi bình thường của tuổi xương: 7 tuổi 04 tháng đến 10 tuổi 10 tháng

Theo Atlas của phương pháp của Greulich và Pyle (hình b), tuổi xương được ước tính là: 12 tuổi

Nhận thấy tuổi xương ước tính (12 tuổi) nằm vượt phạm vi bình thường của tuổi xương (10 tuổi 10 tháng).

Kết luận:

Tuổi theo năm sinh: 9 tuổi 02 tháng

Tuổi xương ước tính: 12 tuổi

Tuổi xương ước tính phát triển sớm hơn tuổi theo năm sinh. 

Kết lại, trong khảo sát tuổi xương bàn tay ở trẻ cần trả lời được hai vấn đề: một là ước tính được tuổi xương dựa theo Atlas Xquang của tác giả Greulich và Pyle, hai là nhận định tuổi xương ước tính và tuổi thực theo năm sinh có phù hợp nhau không dựa vào độ lệch chuẩn (± 2SD) của tuổi xương trung bình. Nếu kết quả nhận định là phù hợp nghĩa là tuổi xương phát triển bình thường. Nếu kết quả nhận định là không phù hợp, thì sẽ là xương phát triển chậm (< -2SD) hoặc xương phát triển sớm (> +2SD) so với tuổi thực.  

Tài liệu tham khảo:

1. Sherwani P, Nandolia K, Joshi K. Comprehensive Textbook of Clinical Radiology, Volume VI: Musculoskeletal system, Bone age estimation. Elsevier 2023; 435-444.

2. Hubbard EW, Liu RW, Iobst CA. Understanding skeletal growth and predicting limb-length inequality in pediatric patients. J Am Acad Orthop Surg 2019; 27: 312-319. doi: 10.5435/JAAOS-D-18-00143

3. Thodberg HH, Kreiborg S, Juul A, Pedersen KD. The BoneXpert method for automated determination of skeletal maturity. IEEE Trans Med Imaging 2009; 28(1): 52-66. doi: 10.1109/TMI.2008.926067

4. Tanner JM, Healy MJR, Goldstein H, Cameron N. Assessment of skeletal maturity and prediction of adult height (TW3 Method). Harcourt Publishers: New York, NY, USA 2001; 1-200.

5. Greulich WW, Pyle SI. Radiographic Atlas of Skeletal Development of the Hand and Wrist. 2nd ed., Stanford University Press: California, CA, USA1959; 1-272.

6. Gilsanz V, Ratib O. Hand bone age: A digital atlas of skeletal maturity. Springer 2005. 

7. Gaskin CM, Kahn SL, Bertozzi JC, Bunch PM. Skeletal development of the hand and wrist: A radiographic atlas and digital bone age companion. Oxford University Press 2011.

8. Zhou B, Qu X, Li M, et al. Correlation of bone age development with overweight and obesity in 23,305 children from Beijing. Endocrine 2025; 87: 304-313. doi.org/10.1007/s12020-024-03988-w

9. Satoh M. Bone age: Assessment methods and clinical applications. Clin Pediatr Endocrinol 2015; 24(4): 143‐152.

10. Alshamrani K, Messina F, Offiah AC. Is the Greulich and Pyle atlas applicable to all ethnicities? A systematic review and meta‐analysis. EurRadiol 2019; 29: 2910‐2923.

11. Pinchi V, Luca FD, Ricciardi F, et al. Skeletal age estimation for forensic purposes: A comparison of GP, TW2 and TW3 methods on an Italian sample. March Forensic Science International 2014; 238: 83-90. doi:10.1016/j.forsciint.2014.02.030

12.  Halabi SS, Prevedello LM, Kalpathy-Cramer J, et al. The RSNA pediatric bone age machine learning challenge. Radiology 2019; 290: 498-503.

13. Suh J, Heo J, Kim SJ, et al. Bone age estimation and prediction of final adult height using deep learning. Yonsei Med J 2023; 64(11): 679-686. doi: 10.3349/ymj.2023.0244

14. Cheng CF, Huang ETC, Kuo JT, et al. Report of Clinical Bone Age Assessment using Deep Learning for an Asian population in Taiwan. Biomedicine (Taipei) 2021; 11(3): 50-58. doi: 10.37796/2211-8039.1256

15. Fishman LS. Radiographic Evaluation of Skeletal Maturation: A Clinically Orientated Method Based on Hand Wrist Films. Angle Orthodontics 1982; 52(2): 88-112. doi: 10.1043/0003-3219(1982)052<0088:REOSM>2.0.CO;2

16. Cavallo F, Mohn A, Chiarelli F, Giannini C. Evaluation of Bone Age in Children: A Mini-Review. Front Pediatr 2021; 9:580314. doi: 10.3389/fped.2021.580314

17. Oh MS, Kim S, Lee J, et al. Factors associated with Advanced Bone Age in Overweight and Obese Children. Pediatr Gastroenterol Hepatol Nutr 2020; 23(1): 89-97. doi: 10.5223/pghn.2020.23.1.89

18. Berst MJ, Dolan L, Bogdanowicz MM. Effect of knowledge of chronologic age on the variability of pediatric bone age determined using the Greulich and Pyle standards. AJR Am J Roentgenol 2001; 176(2): 507-510. doi: 10.2214/ajr.176.2.1760507

19. Annexstad EJ, Bollerslev J, Westvik J, et al. The role of delayed bone age in the evaluation of stature and bone health in glucocorticoid treated patients with Duchenne muscular dystrophy. Int J Pediatr Endocrinol 2019, 4 (2019). doi:10.1186/s13633-019-0070-0

20. Lê Ngọc Duy. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị dậy thì sớm trung ương. Luận án tiến sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội, 2018.

21. Nguyễn Thị Diễm Chi, Hoàng Thị Thuỷ Yên. Một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng dậy thì sớm vô căn ở trẻ gái. Tạp chí Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam 2020; số 38, tr. 81-88. doi:10.47122/vjde.2020.38.12

22. Nguyễn Minh Châu, Hoàng Thị Diễm Thuý. Đánh giá đáp ứng điều trị dậy thì sớm trung ương thông qua nghiệm pháp kích thích Gonadotropin trên trẻ em tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh 2020; 24(3): tr. 67-75.

23. Nguyễn Đình Lễ, Đặng Văn Chức, Trần Huy Duy. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của 81 trẻ gái dậy thì sớm trung ương tại bệnh viện Trẻ em Hải Phòng năm 2018-2019. Tạp chí Nghiên cứu và Thực hành Nhi khoa 2021; 5(2): tr. 10-21.

Ths.Bs. Đoàn Vũ Xuân Lộc             

————————————-

Có thể bạn quan tâm

Cùng tác giả:

 

DỊCH VỤ KHÁM SỨC KHỎE CB - CNV, DOANH NGHIỆP tại nha trang - phòng khám đa khoa olympia

Từ 2027 – Bác Sĩ Cần Vượt Qua Kỳ Thi Đánh Giá Năng Lực Trước Khi Hành Nghề – Bước Ngoặt Lớn Của Ngành Y Tế

Một thay đổi mang tính cách mạng đang đến với ngành y tế, hứa hẹn nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế. Từ ngày 01/01/2027, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ không thể hành nghề khám chữa bệnh ngay lập tức mà phải vượt qua một kỳ thi đánh giá năng lực do Hội...

Contact