Chuyện ấy và bệnh tim mạch cũng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đối với người có bệnh tim nhẹ (như suy tim độ I-II, tăng huyết áp giai đoạn I, II…) thì hoạt động tình dục nhẹ nhàng không ảnh hưởng đến bệnh, mà ngược lại, còn có lợi cho tim mạch khi duy trì đều đặn và nhẹ nhàng. Khi người bệnh tăng huyết áp giai đoạn III (huyết áp tối đa trên 180mmHg), suy tim nặng hoặc có bệnh thiếu máu cơ tim, cần lưu ý điều chỉnh hoạt động tình dục để tránh tai biến.
Tình dục và bệnh lý tim mạch có mối liên quan như thế nào?
Nếu bệnh nhân có suy tim độ III trở lên (bệnh nhân thấy khó thở cả khi nghỉ ngơi) thì cần tránh và điều trị tích cực, khi mức độ suy tim giảm dần, có thể hoạt động tình dục nhưng hạn chế và tránh gắng sức. Khi sinh hoạt tình dục mà thấy khó thở hoặc mệt cần ngừng ngay, có thể thay đổi tư thế để giảm mức độ gắng sức. Khi điều trị bệnh chưa ổn định cũng nên tránh quan hệ tình dục, vì có thể làm bệnh nặng hơn, xuất hiện rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim…nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn I và II, có thể tiếp tục hoạt động tình dục. Cần lưu ý một số thuốc điều trị tăng huyết áp có thể gây giảm chức năng tình dục, vì vậy cần được tư vấn của bác sỹ tim mạch khi dùng thuốc hạ huyết áp, nếu có những phản ứng phụ đó, nên thay bằng thuốc khác theo hướng dẫn của thầy thuốc để không ảnh hưởng đến chức năng tình dục.
Đối với người bệnh bị thiếu máu cục bộ cơ tim (do hẹp động mạch vành) có biểu hiện đau ngực thì cần tránh hoạt động tình dục hoặc khi hoạt động tình dục có xuất hiện đau ngực thì cần ngừng ngay. Khi bệnh được điều trị ổn định, không còn đau ngực, có thể tiếp tục hoạt động tình dục, tuy nhiên cần chọn tần suất và mức độ phù hợp.
Đối với người bệnh sau phẫu thuật tim mạch có thể trở lại quan hệ tình dục sau khoảng vài tuần. Bệnh nhân có thể bắt đầu một cách từ từ. Đa số người bệnh bắt đầu quan hệ sau 2 đến 3 tuần. Theo ước tính, khi người bệnh có thể đi lên cầu thang bộ 3 tầng thì có thể trở lại hoạt động tình dục từ từ và bình thường.