KHÁM TẦM SOÁT DẬY THÌ SỚM Ở TRẺ – THỜI ĐIỂM NÀO PHÙ HỢP?
Hiện nay, vấn đề dậy thì sớm ở trẻ nhận được rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Hầu hết khi đi khám dinh dưỡng, phụ huynh đều chia sẻ mong muốn con phát triển tốt, tăng trưởng chiều cao đều.
Do đó, ba mẹ rất sợ trẻ gặp phải vấn đề dậy thì sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển khung xương, chiều cao cuối cùng của trẻ. Ở các bé gái, phụ huynh lo ngại trẻ có kinh nguyệt sớm, khó khăn hơn trong việc chăm sóc và hướng dẫn đúng và đủ cho trẻ hoặc có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Thời điểm nào cần tầm soát dậy thì sớm ở trẻ?
Việc khám tầm soát phụ thuộc vào việc khi nào trẻ bắt đầu có biểu hiện của dậy thì sớm, thường là trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất mà ba mẹ cần đưa bé đến phòng khám tầm soát:
- Ở bé gái: Những thay đổi dễ nhận thấy nhất và thường gặp nhất là phát triển ngực (Khi tuyến vú phát triển, hiện tượng đầu tiên là núm vú nổi lên ở 1 hoặc 2 bên, sau đó núm vú to lên rõ, quầng vú rộng và thẫm màu dần), sự tăng trưởng chiều cao vượt trội, xuất hiện những đặc tính sinh dục thứ phát như trẻ mọc lông mu, lông nách, có kinh nguyệt …
- Ở bé trai: Tăng kích thước tinh hoàn (đây là dấu hiệu sớm nhất: đường kính lớn nhất lớn hơn 2,5 cm, thể tích tinh hoàn trên 4 ml), dương vật và bìu phát triển, xuất hiện lông mu (các hiện tượng này thường đến sau sự phát triển tinh hoàn khoảng một năm) tăng trưởng chiều cao vượt trội, gia tăng chiều rộng vai, thay đổi giọng nói, có sự xuất hiện của tinh trùng trong mẫu nước tiểu vào sáng sớm xuất hiện trứng cá, mọc râu.
Thứ tự xuất hiện các triệu chứng dậy thì có thể bình thường như trong tiến triển dậy thì sinh lý:
- Nữ: tuyến vú → lông sinh dục→ kinh nguyệt
- Nam: tinh hoàn → dương vật→ lông sinh dục
Tuy nhiên, trong DTS ngoại biên: kinh nguyệt là dấu hiệu đầu tiên. Nếu thấy những dấu hiệu trên thì ba mẹ nên đưa trẻ đi tầm soát dậy thì sớm.
Khám tầm soát dậy thì sớm ở trẻ là khám những mục nào?
Khai thác về các biểu hiện triệu chứng của trẻ và thăm khám tình trạng hiện tại của trẻ:
- Xác định thời điểm bắt đầu khởi phát dậy thì để xem trẻ thực sự có dậy thì sớm hay không
- Khai thác về chiều cao hiện tại và tốc độ tăng chiều cao của trẻ
- Chụp x quang xương bàn tay đánh giá tuổi xương của trẻ
- Siêu âm buồng trứng và tử cung (ở nữ), siêu âm tinh hoàn( ở nam)
- Xét nghiệm nội tiết tố: Nồng độ FSH, LH nền, Nồng độ estradiol (nữ) và testosterone (nam)
- Hoặc/ và một số xét nghiệm chuyên sâu hơn nhắm đưa ra chẩn đoán xác định hoặc xác định đúng nguyên nhân gây ra dậy thì sớm.
Để đánh giá một trẻ “Dậy thì sớm” (DTS) cần phải trả lời các câu hỏi sau:
- Trẻ nào cần được đánh giá? Cần phải đánh giá cẩn thận tất cả các trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát trước 8 tuổi ở trẻ nữ và trước 9 tuổi ở trẻ nam.
- Phân loại DTS là gì? Bước đầu tiên của việc đánh giá là phải phân biệt những trường hợp những biến thể của dậy thì bình thường hay còn gọi là DTS 1 phần (như tăng sinh tuyến vú đơn độc, trưởng thành sớm tuyến thượng thận) với DTS bệnh lý Kế tiếp cần xác định đây là DTS trung ương hay DTS ngoại biên.
- DTS này tiến triển có nhanh hay không? Tốc độ phát triển dậy thì phản ánh mức độ và thời gian tiếp xúc với các hormone sinh dục.