VA là từ viết tắt từ tiếng Pháp “Végétations Adénoides”, là tổ chức lympho nằm ở vòm họng mũi, vị trí cửa mũi sau, có vai trò trong chức năng phòng thủ của cơ thể. Khi hít thở, không khí đi vào mũi, đến cửa mũi sau rồi xuống họng vào phổi. VA là hàng rào vệ sĩ bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn xâm nhập từ mũi và miệng.
Các triệu chứng do phì đại VA gồm nghẹt mũi, nhức đầu, sổ mũi, thở bằng miệng, viêm tai giữa, ngưng thở khi ngủ, giảm thính lực, khuôn mặt VA…[6]
Nội soi mũi họng và chụp X-quang là hai phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trong thực hành lâm sàng khảo sát VA. Nội soi mũi họng là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán phì đại VA vì cho thấy cái nhìn trực tiếp về VA [6]. Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào cũng được trang bị thiết bị nội soi. Nhược điểm của nội soi mũi họng là tính chủ quan và ảnh hưởng bởi kỹ năng người làm, khó thực hiện vì bệnh nhi thường không hợp tác. Chụp X-quang từ lâu đã được sử dụng để chẩn đoán phì đại VA, thăm khám này đơn giản, dễ thực hiện và có thể lặp lại [1], [6].
Năm 1979, tác giả Fujioka cho ra đời phương pháp đo tỷ lệ kích thước VA và kích thước khoang họng mũi (Adenoidal nasopharyngeal ratio, viết tắt tỷ lệ A/N) thông qua chụp X-quang cổ nghiêng [1]. Fujioka là một trong nhiều phương pháp khảo sát VA hiện đang được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới [4]. Phương pháp Fujioka như sau:
- Vẽ đường thẳng dọc theo bờ trước của nền chẩm (bản dốc xương chẩm).
- Xác định bề dày kích thước VA (đường A) bởi vẽ một đường vuông góc từ điểm lồi nhất của VA đến đường thẳng dọc bờ trước nền chẩm.
- Xác định kích thước khoang họng mũi bởi vẽ một đường từ mép sau trên của khẩu cái cứng đến mép trước dưới của đường khớp nền chẩm bướm (đường N).
- Tỷ lệ A/N được tính toán bằng cách chia kích thước đường A cho kích thước đường N.
Hình 1. Lược đồ minh họa phương pháp Fujioka
Hình 2. Chụp X-quang cổ nghiêng phương pháp Fujioka
Chụp X-quang cổ nghiêng đánh giá tỷ lệ A/N là một phương pháp không xâm lấn, dễ áp dụng, đáng tin cậy và có tương quan ý nghĩa với thăm khám nội soi.
Nghiên cứu của tác giả Elwany S và cộng sự năm 1987 về giá trị của tỷ lệ A/N trong việc lựa chọn trẻ cho phẫu thuật VA. Kết quả khảo sát trên 100 trẻ được phẫu thuật VA so với 100 trẻ bình thường, cho thấy giá trị của tỷ lệ A/N > 0.73 có thể được xem VA phì đại bệnh lý [3].
Nghiên cứu của tác giả Li P và cộng sự năm 2022 khảo sát trên 316 trẻ về giá trị tiên lượng của tỷ lệ A/N trong chẩn đoán viêm tai giữa tiết dịch, cho thấy tỷ lệ A/N gián tiếp phản ánh sự bất thường trong đo nhĩ lượng. Khi tỷ lệ A/N là 0.815 thì bệnh nhân có nguy cơ mắc viêm tai giữa tiết dịch cao hơn. Do đó tỷ lệ A/N có thể là yếu tố tiên lượng viêm tai giữa tiết dịch ở bệnh nhân phì đại VA [5].
Nghiên cứu của tác giả Pathak K và cộng sự năm 2019 khảo sát trên 50 trẻ em từ 3 tuổi đến 14 tuổi được chẩn đoán viêm VA mạn tính, cho thấy có sự phù hợp tốt giữa X-quang và nội soi mũi. Trong đó nhóm tỷ lệ A/N từ 0.5 đến 0.8 chiếm tỷ lệ nhiều nhất 56%, nhóm tỷ lệ A/N >= 0.8 chiếm 30% [7].
Nghiên cứu của tác giả Moideen S.P và cộng sự năm 2018 khảo sát trên 60 trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trong đánh giá phì đại VA, cho thấy tỷ lệ A/N có mối tương quan ý nghĩa với các triệu chứng của trẻ và với nội soi mũi. X-quang cổ nghiêng có thể được xem là một công cụ hữu ích trong đánh giá phì đại VA. Bác sĩ chăm sóc ban đầu hoặc bác sĩ nhi khoa có thể tự tin sử dụng X-quang cổ nghiêng để đưa ra các quyết định lâm sàng và có thể xem xét nội soi mũi họng khi bức tranh lâm sàng vẫn chưa rõ ràng hoặc cần đánh giá thêm [8].
Nghiên cứu của tác giả Adedeji T.O và cộng sự năm 2016 khảo sát trên 90 trẻ em từ 8 tháng đến 11 tuổi với biểu hiện nghẹt mũi, thở bằng miệng và thở ồn, cho thấy tỷ lệ A/N dao động từ 0.6 đến 0.89, tỷ lệ A/N trung bình là 0.78. Chụp X-quang cổ nghiêng ứng dụng tỷ lệ A/N là một công cụ hiệu quả để đánh giá trẻ nghi ngờ bị VA phì đại và có tương quan tốt với các triệu chứng của trẻ, cung cấp thông tin hữu ích cho quyết định phẫu thuật VA [9].
Nghiên cứu của tác giả Caylakli F và cộng sự năm 2009 khảo sát trên 85 trẻ em từ 2 đến 12 tuổi được chẩn đoán phì đại VA. Tỷ lệ A/N của mỗi trẻ được so sánh với tỷ lệ tắc nghẽn qua nội soi mũi. Tỷ lệ A/N trung bình là 0.87. Kết quả cho thấy có mối tương quan ý nghĩa giữa tỷ lệ A/N và nội soi mũi [10].
Nghiên cứu của tác giả Gill J.S và cộng sự năm 2013 khảo sát trên 40 trẻ em từ 3 đến 14 tuổi chẩn đoán phì đại VA thì tỷ lệ A/N dao động trong khoảng 0.73 – 0.99, tỷ lệ A/N trung bình là 0.79. Phương pháp Fujioka là một công cụ chẩn đoán rất tốt so với nội soi mũi [11].
Nghiên cứu của tác giả Nugroho P.S và cộng sự năm 2023 về mối tương quan giữa điểm số lâm sàng, chụp X-quang và nội soi mũi họng ở bệnh nhân phì đại VA như một xem xét cho phẫu thuật VA, khảo sát trên 73 bệnh nhân. Kết quả cho thấy thăm khám bởi X-quang và nội soi có thể được sử dụng để thiết lập mối tương quan giữa VA phì đại với các triệu chứng liên quan đến phì đại VA. Mặc dù mức độ tương quan khác nhau về mặt thống kê nhưng các phương thức chẩn đoán này có thể bổ trợ cho nhau [6].
Dựa trên các nghiên cứu đã có chúng tôi phân loại mức độ phì đại VA trên phim chụp X-quang cổ nghiêng theo phương pháp Fujioka như sau:
A/N ratio <= 0.5: VA bình thường
0.5 < A/N ratio <= 0.6: VA phì đại nhẹ
0.6 < A/N ratio <= 0.73: VA phì đại trung bình
A/N ratio > 0.73: VA phì đại nhiều
A/N ratio > 0.8: VA rất phì đại
Tài liệu tham khảo:
- Fujioka M, Young L.W, Girdany B.R, Radiographic evaluation of adenoidal size in children: Adenoidal-nasopharyngeal ratio, American journal of roentgenology, 1979, 133(3), 401-404.
- Zhao T, Zhou J, Yan J, Cao L, Cao Y, Hua F, He H, Automated adenoid hypertrophy assessment with lateral cephalometry in children based on artificial intelligence, Diagnostics (Basel), 2021, 11(8), 1386.
- Elwany S, The adenoidal-nasopharyngeal ratio (AN ratio). Its validity in selecting children for adenoidectomy, The Journal of Laryngology & Otology, 1987, 101(6), 569-573.
- Feres M.F.N, Sousa H.I.P, Francisco S.M, Pignatari S.S.N, Reliability of radiographic parameters in adenoid evaluation, Brazilian Journal of Otorhinolaryngology, 2012, 78(4), 80-90.
- Li P, Li T, Yu L, Chen A, Wu Y, Wan Y, Shi L, Predictive value of adenoid-nasopharyngeal ratio in the diagnosis of secretory otitis media, Ear, Nose & Throat Journal, 2022, 1-8.
- Nugroho P.S, Falerina R, Rakhma H.K, Nurfaizi A, Correlation of clinical score, radiological examination, and nasopharyngeal endoscopy in adenoid hypertrophy patients as a consideration of adenoidectomy, Korean J Otorhinolaryngol-Head Neck Surg, 2023, 66(5), 315-321.
- Pathak K, Ankale N.R, Harugop A.S, Comparison between radiological versus endoscopic assessment of adenoid tissue in patients of chronic adenoiditis, Indian J Otolaryngol Head Neck Surg, 2019, 71(1), 981-985.
- Moideen S.P, Mytheenkunju R, Nair A.G, Mogarnad M, Afroze M.K.H, Role of adenoid-nasopharyngeal ratio in assessing adenoid hypertrophy, Indian J Otolaryngol Head Neck Surg, 2019, 71, 469-473.
- Adedeji T.O, Amusa Y.B, Aremu A.A, Correlation between adenoidal nasopharyngeal ratio and symptoms of enlarged adenoids in children with adenoidal hypertrophy, Afr J Paediatr Surg, 2016, 13(1), 14-19.
- Caylakli F, Hizal E, Yilmaz I, Yilmazer C, Correlation between adenoid-nasopharynx ratio and endoscopic examination of adenoid hypertrophy: A blind, prospective clinical study, International Journal of Pediatric Otorhinolaryngology, 2009, 73(11), 1532-1535.
- Gill J.S, Bhardwaj B, Anand V, Singla S, The comparative roles of X-ray nasopharynx and nasal endoscopy in diagnosis of adenoid hypertrophy, Nepal J ENT Head Neck Surg, 2013, 4(1), 26-28.